Ngũ Hành Sơn
Ngũ Hành Sơn hay núi Non Nước là tên chung của một danh thắng gồm 6 ngọn núi đá vôi nhô lên trên một bãi cát ven biển, trên một diện tích khoảng 2 km2, gồm: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn (lớn, cao và đẹp nhất), Hỏa Sơn (có hai ngọn) và Thổ Sơn, nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 8 km về phía Đông Nam, ngay trên tuyến đường Đà Nẵng - Hội An; nay thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, Việt Nam.
Tên núi Non Nước (tức Non Nước Sơn) đã có từ lâu đời, và đã đi vào ca dao Việt Nam như một tổng kết kinh nghiệm về thời tiết của người dân địa phương:
Chiều chiều mây phủ Sơn Trà,
Sấm rền Non Nước trời đà chuyển mưa.
Theo một số người, tên Ngũ Hành Sơn không những mang tính hoa mỹ hơn, mà người đặt ra nó đã dựa vào thế đất, thế núi và có kết hợp các yếu tố cơ bản của thuyết âm dương-ngũ hành. Tuy nhiên, ở cuối thế kỷ 19, một nhà nghiên cứu người Pháp là Albert Sallet, thì lại dựa vào chất liệu của núi đá để đặt tên cho thắng cảnh là “Les montagnes de marbre” (Những ngọn núi đá cẩm thạch)
Mô tả cụm núi này, trong sách Đại Nam dư địa chí ước biên có đoạn viết:
..."Từ trong Sa Động đột ngột nổi lên 6 ngọn núi đá. Sông rộng vòng phía tây, biển lớn bao phía đông, hình núi nhọn hoắt. Trời tạnh, nhìn ra xa, sắc như gấm mây, rất đáng yêu....Phía đông có đài Vọng Hải, phía tây có đài Vọng Giang, mỗi đài lại có một bài văn bia ghi lại. Bên hữu chùa Tam Thai có phúc địa Động Thiên, ở đó có hành cung, là một đại danh thắng của một tỉnh Quảng Nam".
Thật vậy, Ngũ Hành Sơn nằm giữa vùng cát trắng mịn từ biển Non Nước kéo dài đến bán đảo Tiên Sa. Theo các nhà địa chất học, cụm núi này trước đây là các hòn đảo ở gần bờ biển do tác dụng của thủy triều phù sa bồi đắp, nối liền với lục địa. Dần dà, vì bị nước mưa và khí hậu tác động xói mòn tạo ra những hang động động và hình thù kỳ thú. Đặc biệt, đá cẩm thạch tại đây có màu ngũ sắc, phân chia theo từng núi: đá ở Thủy Sơn thường có màu hồng, ở Mộc Sơn thường có màu trắng, ở Hỏa Sơn thường có màu đỏ, ở Kim Sơn thường có màu thủy mặc và ở Thổ Sơn thường có màu nâu. Quanh Ngũ Hành Sơn, về phía đông có biển Đông với bãi cát mịn trắng chạy dọc ven biển; ở phía tây và nam là sông Cổ Cò chảy qua hòa vào nhánh sông Cẩm Lệ. Ở thế kỷ 17-18, nhánh sông này là đường thủy thông thương huyết mạch giữa Đà Nẵng với Hội An, về sau bị bồi lấp.
Các loại thảo mộc quý có ở đây, là: Thiên tuế, Thạch trường sanh, Cung-nhân-thảo (Amaryllis) lài trắng, Cảnh-thiên (Crassule), Mộc tê, Chương não, Thử lý (M. Vyridiflora, có tinh dầu dùng để trét ghe thuyền), Tứ quý... Về hoa rừng có nhiều loại phong lan. Về động vật có loài khỉ Dộc hiền, và các loại dơi, chim hải yến, v.v...
Ngoài các dấu ấn văn hoá lịch sử còn in đậm trong các hang động, và trên mỗi công trình chùa, tháp đầu ở các thế kỷ trước, như mộ mẹ tướng quân Trần Quang Diệu, đền thờ công chúa Ngọc Lan (em gái vua Minh Mạng), bút tích sắc phong quốc tự còn lưu giữ tại chùa Tam Thai của triều Nguyễn, v.v;...ở đây còn có các di tích lịch sử đấu tranh của nhân dân Việt như Địa đạo núi đá Chồng, hang Bà Tho, núi Kim Sơn, hang Âm Phủ, v.v..
5 hang động:
Kim Sơn
Kim Sơn ở phía Bắc. Hình dáng núi trông như một quả chuông úp sấp, nằm giữa Hỏa Sơn và Thổ Sơn, và bên cạnh dòng sông Trường nối dài với sông Hàn. Ngày nay dòng sông Trường đã bị bồi lấp một phần thành đồng ruộng và ao hồ. Nằm tựa lưng vào ngọn núi này là ngôi chùa Quan Âm cổ kính với động Quan Âm huyền bí.
Mộc Sơn
Mộc Sơn ở phía Đông Nam, nằm song song với núi Thủy Sơn. Dù mang tên là "mộc", nhưng cây cối ở đây rất ít. Theo Quách Tấn, xưa kia núi này cũng là một hòn kỳ vĩ, với sườn núi dựng đứng, đá trắng nhô lên tua tủa. Về sau, sườn núi ở phía Bắc và phía Nam bị đào xới nhiều nên trông như một bức thành hư lồi lõm.
Thuỷ sơn
Thuỷ Sơn nằm trên dãi đất rộng theo hướng Đông Bắc, khoảng 07 ha, cao khoảng 120 m. Vì núi có ba đỉnh nằm ở ba tầng giống như ba ngôi sao Tam Thai ở đuôi chòm sao Đại Hùng (dân gian gọi là Sao Cày), nên còn có tên gọi là núi Tam Thai. Đây là ngọn núi lớn, cao và đẹp nhất, thường được nhiều người đến viếng.
Sơ lược ba đỉnh của núi:
-Thượng Thai : là ngọn cao nhất 106 m ở phía Tây Bắc của Thuỷ Sơn, đáng kể có: chùa Tam Thai, chùa Tam Tôn, chùa Từ Tâm, khu Hành Cung, Vọng Giang Đài (đài ngắm sông) [11], động Hoa Nghiêm (một trong số tượng ở đây có tượng nữ thần Thiên Y A Na của người Chăm), động Huyền Không, động Linh Nha,...
-Trung Thai : là ngọn thấp hơn một chút ở phía Nam của Thuỷ Sơn, đáng kể có: Cổng trời (Cổng Vân Căn Nguyệt Quật), động Vân Thông (tục gọi là Hang Lên Trời), động Thiên Long (tục gọi là Hang Rồng), động Thiên Phước Địa...
-Hạ Thai : là ngọn phía Đông thấp nhất của Thuỷ Sơn, đáng kể có: chùa Linh Ứng, tháp Xá Lợi, Vọng Hải Đài (đài ngắm biển), động Tàng Chơn...
Đặc biệt, trên Thuỷ Sơn còn có hai di vật cổ quý hiếm, đó là tấm bia Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật tại động Hoa Nghiêm, và tấm Kim bài hình quả tim lửa có bút tích của vua Minh Mạng ban tặng cho chùa Tam Thai.
Theo thông tin trên website Ngũ Hành Sơn, thì ngay lần đầu (1825) vua Minh Mạng đến chơi ngọn Thủy Sơn, đã cho xây dựng hai con đường bậc cấp đi lên núi, đó là lối đi lên chùa Tam Thai và lối đi lên chùa Linh Ứng (xưa gọi là Ứng Chơn). Ngày nay, hai con đường ấy là cổng phía Tây gồm có 156 bậc đá dẫn đến chùa Tam Thai (xây dựng năm 1630), và cổng phía đông gồm có 108 bậc dẫn đến chùa Linh Ứng.
CÔNG TY CỔ PHẦN DU LỊCH VÀ THƯƠNG MẠI CÙ LAO XANH
Địa chỉ: 500 Cửa Đại, Thành phố Hội An, Quảng Nam - Hotline: 0905 911 188
Điện thoại: 0510 8505 888 - Fax: 0510 3929 666
Email: info@culaoxanh.vn - Website: www.culaoxanh.vn, www.culaocham.info
Designed by PhanGiaHuy